TTYT HUYỆN NINH GIANG
TRƯỜNG THCS NINH HẢI
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Ninh Hải, ngày 16 tháng 09 năm 2024
|
TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH MÙA BÃO, LỤT
Kính thưa các thầy giáo, cô giáo, các bậc phụ huynh và các em học sinh!
Sau bão số 3 Yagi, những ngày qua, tại Bắc Bộ đã liên tiếp xảy ra mưa rất lớn trên diện rộng, lũ một số nơi ở thượng nguồn đã vượt mức lũ lịch sử, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đã xảy ra ở nhiều địa phương gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản. Các hồ chứa đã được vận hành phù hợp góp phần cắt giảm lũ ở hạ du nhưng lũ trên nhiều các tuyến sông ở Bắc Bộ vẫn lên mức báo động 2 đến báo động 3, một số nơi vượt báo động 3, gây ngập lụt nghiêm trọng ở nhiều nơi làm tăng nguy cơ lây lan các bệnh dịch và thường để lại những hậu quả hết sức nặng nề. Để bảo đảm nước sạch, vệ sinh môi trường trong và sau khi bão, lụt xảy ra là những công việc quan trọng hàng đầu để phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Nhằm đáp ứng nhu cầu thiết thực của công tác phòng chống sau bão, lụt trong và sau mưa bão, lũ lụt, vô số các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải,… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Hơn nữa, mưa và ngập úng là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn sinh sôi và gây bệnh cho con người. Sau đây là những dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa lũ mà mọi người cần biết để có biện pháp phòng tránh và bảo vệ sức khỏe:
1. Chuẩn bị chung
- Dự trữ lương thực, thực phẩm, chất đốt và muối sạch.
- Chuẩn bị một số thuốc thông thường như: thuốc tiêu chảy, cảm sốt, dầu gió, thuốc tra mắt, bông băng, thuốc đỏ, thuốc ngoài da,...
- Cất giữ các loại hóa chất bảo vệ thực vật (nếu có) ở nơi cao, không có nguy cơ bị ngập hoặc nước cuốn trôi
2. Với các nguồn nước
- Chuẩn bị nắp và nilông để bịt miệng giếng khơi, bể nước mưa, dụng cụ chứa nước hoặc nút, bịt miệng giếng khoan.
- Bịt miệng giếng, nút giếng khoan trước khi sơ tán hoặc thấy có nguy cơ giếng bị ngập. Lưu ý khi bịt miệng giếng, cần để một khe nhỏ cho khí thoát ra khi nước dâng lên.
- Nơi có cung cấp nước máy phải dự trữ nước trong các bể lớn ở trên cao.
- Dự trữ một số chai nước uống, đặc biệt các gia đình có trẻ nhỏ.
3. Phòng chống dịch bệnh
- Sốt xuất huyết: Sau mưa bão các bệnh phát sinh do các véc tơ truyền bệnh phát triển mạnh. Môi trường ẩm ướt, ô nhiễm, nước tù đọng là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, do đó bệnh sốt xuất huyết rất dễ xảy ra. Bệnh rất dễ lây và bùng phát trên diện rộng. Mùa mưa bão hàng năm đồng thời cũng là đỉnh dịch sốt xuất huyết ở nhiều nơi.
- Bệnh đường hô hấp: Những ngày mưa kéo dài dễ làm gia tăng các bệnh đường hô hấp. Đối tượng thường gặp nhất là người cao tuổi, trẻ em và người mắc các bệnh mạn tính về đường hô hấp. Bệnh thường gặp nhất là viêm họng, cảm cúm. Nếu không được điều trị dứt điểm và có chế độ chăm sóc dinh dưỡng tốt có thể biến chứng sang viêm tiểu phế quản, phế quản, viêm phổi gây khó khăn trong điều trị.
- Các bệnh về da: Sau mùa mưa, do điều kiện vệ sinh kém, môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm và chứa đựng nhiều vi khuẩn gây bệnh. Một số bệnh ngoài da thường gặp mùa mưa như nấm kẽ chân, ghẻ, viêm nang lông, nước ăn chân (do nấm ký sinh gây ra), mẩn ngứa, chốc lở...
- Bệnh tiêu chảy cấp: Bệnh tiêu chảy thường gia tăng đáng kể sau mưa lũ. Do người dân phải sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, thức ăn nhiễm khuẩn nên dễ mắc tiêu chảy. Các bệnh như tả, lỵ, thương hàn, nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn do các loại vi khuẩn khác (E.coli, Campylobacter...). Bệnh tiêu chảy cũng dễ lây lan từ người này sang người khác do tiếp xúc với chất thải của người bệnh với các triệu chứng cơ bản như đau bụng, mót rặn, tiêu chảy cấp.
- Đau mắt đỏ: Đau mắt đỏ là bệnh thường gặp ở cả người lớn lẫn trẻ nhỏ, bệnh dễ mắc và bùng phát thành dịch tại những nơi mà điều kiện vệ sinh, nước sạch không bảo đảm. Trong mùa mưa lũ, thời tiết ẩm tạo điều kiện cho vi khuẩn, virut phát triển, kèm theo đó là việc phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm bẩn, là những nguyên nhân khiến số người mắc bệnh đau mắt đỏ tăng cao sau mùa mưa.
- Khuyến cáo phòng bệnh trong mùa mưa bão: Người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh như: Thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thực hiện thay rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt. Bảo đảm vệ sinh môi trường: Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó. Giữ vệ sinh cơ thể, sử dụng trang thiết bị bảo hộ trong khi làm vệ sinh môi trường, tránh tiếp xúc với nguồn bệnh.
Ngoài ra, cần chú ý thực hiện nằm ngủ phải mắc màn, tiêu diệt muỗi bằng nhiều cách để phòng bệnh sốt xuất huyết...
Khi thấy những dấu hiệu bất thường về sức khỏe thì cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị ngay, không tự ý điều trị tại nhà, bệnh không khỏi mà còn lây lan nhanh./.
|
Phụ trách y tế học đường
Nguyễn Thị Yến
|